GIỚI THIỆU CHUNG
Địa chỉ: Ân Thi, Hưng Yên
Email: hungyen-thcsphamhuythong@edu.viettel.vn
Điện thoại: 02213503695
Video giới thiệu về nhà trường
Hình ảnh hội đồng sư phạm nhà trường
LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG CỦA TRƯỜNG THCS PHẠM HUY THÔNG - ÂN THI
I - Ngày thành lập trường
Trường THCS Phạm Huy Thông (Trước đây còn có những tên khác như: Trường Chuyên Kim Thi, Trường PTNăng khiếu Kim Thi - Khi còn huyện Kim Thi - Trường PT Năng khiếu Ân Thi) thành lập ngày 30/8/1991; đến nay đã được 26 năm
II- Lịch sử và truyền thống
26 năm xây dựng và phát triển của nhà trường có thể chia làm 2 thời kì lớn với từng chặng đường như sau:
1- Thời kỳ thứ nhất: Từ tháng 8/1991 đến tháng 9/1997: Thời kì của những chặng đường đầy gian nan thử thách và biến động.
Thời kì này có thể chia thành 4 giai đoạn nhỏ như sau:
a/ Giai đoạn 1991- 1992
- Ngày 30/8/1991, trường Chuyên huyện Kim Thi được thành lập. Đây là một trong 2 trường Chuyên cấp huyện được thành lập sớm nhất của tỉnh Hải Hưng (Cùng với trường Chuyên Huyện Chí Linh, nay là trường Chu Văn An - Chí Linh- Hải Dương). Trường có nhiệm vụ bồi dưỡng Học sinh giỏi bậc THCS của huyện nhà.
(Nhiệm vụ này đã được ghi rõ trong điều I của quyết định thành lập trường do Chủ tịch UBND huyện kí).
- Học sinh của trường được tuyển từ các xã, mỗi khối 01 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9) với sĩ số là 111 học sinh. Giáo viên được chọn về từ các trường THPT Ân Thi, THPT Kim Động và một số trường THCS trong huyện là 11 thầy, cô. Đội ngũ GV lúc này còn thiếu nhiều GV chuyên môn sâu ở một số môn, đa số là GV trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng rất tâm huyết và có tiềm năng sư phạm rất lớn. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng HSG của trường gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ bởi đó là công tác mới với nhiều GV mà còn do loại hình trường mới mẻ như trường ta lúc đó không có chương trình, SGK riêng. Còn nữa, cơ sở vật chất của trường lại nghèo nàn, ít ỏi (Trụ sở của Huyện ủy cũ với 3 dãy nhà cấp 4 cũ nát chia cho 3 trường cùng một địa điểm).
- Như thế, những bước đi ban đầu của trường là những bước đi “dò dẫm” của một đội quân mới “nhập ngũ”. Khỏi phải nói những khó khăn sẽ như thế nào. Nhưng với sự chỉ đạo linh hoạt của cấp trên, sự sáng tạo của Ban giám hiệu, sự nhiệt tình, tâm huyết với nghề của các thầy, cô giáo, sự chăm chỉ luyện rèn của các em HS nhà trường, năm đầu tiên, các đội tuyển HSG dự thi cấp tỉnh đã có 13 giải cá nhân và 2 giải đồng đội (Xin lưu ý là lúc đó tỉnh tổ chức ít môn thi cấp tỉnh hơn bây giờ, số HS mỗi đội dự thi cũng ít hơn: 5HS/1 đội ). Chấm dứt một thời gian nhiều năm “mất trắng” giải khi thi HSG.
(HSG những năm trước đó của tỉnh Hải Hưng thuộc về Hưng Yên rất ít, mà chủ yếu ở các huyện của Hải Dương).
Cuối năm, HS lớp 9 đỗ tốt nghiệp và vào PTTH cao.
b/ Giai đoạn 1992 – 1994.
- Lúc này, GV đã được tăng cường, CS VC được bổ sung, đã có chương trình cho trường Chuyên, nhưng chỉ tập trung vào các môn Văn và Toán (Số tiết mỗi môn này tới 6 – 8 tiết/tuần). Trường có thêm lớp 5 để tạo nguồn.
- Mỗi năm đã có 15 – 17 giải HSG cấp tỉnh. Điều đó chứng tỏ việc tập trung HS có năng lực và bồi dưỡng có bài bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HS.
c/ Giai đoạn 1994 – 1996.
- Với thành tích bước đầu trong 3 năm, vị thế của nhà trường đã được xác định. Nhiều HS đã có nguyện vọng được học ở trường Chuyên hơn trước. Điều đó dẫn đến việc UBND Huyện đã cho thành lập Phân hiệu 2 ở Kim Động từ tháng 9/1995. HS tuyển vào lớp 6 của PTNK Kim Thi lúc này đã được nâng số lớp thành 02/mỗi phân hiệu. GV đi dạy ở 2 phân hiệu chung một Thời khóa biểu.
- Cuối mỗi năm học giai đoạn này đã có khoảng 20 giải HSG cấp Tỉnh, gần 30 HS đỗ vào PTNK Hải Hưng. HS lớp 9 đỗ Tốt nghiệp và THPT với số điểm rất cao.
d/ Giai đoạn 1996 – 1997.
- Tháng 4/1996: Tái lập 2 huyện Ân Thi – Kim Động (Sau 17 năm hợp nhất). Hai phân hiệu của trường PTNK Kim Thi cũ nay thành 2 trường của 2 huyện. Cũng lúc này, có biết bao biến động và sóng gió đến với trường ta: Trường đứng trước nguy cơ giải thể. Bởi theo nghị quyết của TU II (Khóa 8) sẽ không thành lập trường chuyên, lớp chọn ở bậc Tiểu học và THCS. Thực tế lúc này, nhà trường gặp vô cùng nhiều khó khăn:
+ CSVC của trường phải để lại làm trụ sở của Huyện ủy Ân Thi (Huyện tái lập), địa điểm mới của trường chưa được quyết định
+ Nhiều GV của trường hoang mang, xin chuyển đi nơi khác công tác.
+ Cha mẹ HS dao động, không dám cho con mình đến học tại trường.
+ Có ý kiến còn cho rằng: Nên sát nhập trường với THCS TTÂT. …v..v…
Lúc này, chỉ có những Đảng viên kiên trung, những GV tâm huyết, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng là bám trụ với trường. Lúc này, nhiều tháng, trường ta không có tên chính thức, mà chỉ có cái tên truyền miệng: Trường Chất lượng cao huyện Ân Thi.
- Tháng 8/1997, Tỉnh ủy – UBND Tỉnh đồng ý và Sở GD&ĐT Hưng Yên ra chỉ thị: Đổi tên các trường PTNK cấp huyện trong Tỉnh thành trường THCS mang tên danh nhân.
- Ngày 26/9/1997, UBND Huyện Ân Thi đã ra quyết định chuyển đổi tên trường PTNK Ân Thi thành trường chất lượng cao THCS Phạm Huy Thông, chấm dứt giai đoạn “khủng hoảng” về hình thái để chuyển mình theo cơ chế mới.
Trường ta mang tên danh nhân của quê hương - Phạm Huy Thông - từ đó.
Như thế, thời kì 6 năm đầu của nhà trường đúng là “Thời kì của những chặng đường đầy gian nan thử thách và biến động”.
2 - Thời kỳ thứ hai: Từ tháng 10/1997 đến nay: Thời kì của sự không ngừng phấn đấu xây dựng trường chất lượng cao, vươn tới trường đạt chuẩn quốc gia.
Sau thời kì của những chặng đường đầy gian nan thử thách và biến động nói trên, 12 năm qua, từ tháng 10/1997 đến nay, trường ta luôn phấn đấu đi lên, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình
(Chức năng, nhiệm vụ đó đã được ghi rõ trong điều II, QĐ 231/QĐ- UB ngày 26/9/1997 của UBND huyện): “Trường có nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn, học đủ, học đều các môn theo chương trình phổ thông với chất lượng cao, đồng thời có chức năng bồi dưỡng học sinh giỏi toàn diện…”
Sự không ngừng phấn đấu xây dựng và trưởng thành của nhà trường trong 12 năm qua thể hiện trên nhiều phương diện:
a/ Về qui mô trường lớp.
Từ năm 1995, số lớp và sĩ số HS đã phát triển so với những năm đầu. Đặc biệt từ tháng 10/1997, số HS dự tuyển và trường không ngừng tăng. Nhưng cấp trên chỉ cho phép trường ta tuyển 03 lớp 6 mỗi năm. Nhiều năm qua đến nay, nhà trường đã phát riển theo qui mô 12 lớp với hơn 500 HS/1 năm.
b/ Về cơ sở vật chất nhà trường.
- Từ tháng 10/1997, trường ta chuyển ra địa điểm mới như hiện tại.
- Tuy diện tích chật hẹp nhưng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được xây dựng thêm sau mỗi năm. Để rồi, từ một dãy nhà cấp 4 cũ nát của Trung tâm Y tế cũ, nay trường đã có 3 khu nhà kiên cố cao tầng, đủ cho 12 lớp học 1 ca chính khóa, còn lại để học bồi dưỡng HSG của trường, của huyện, nâng cao chất lượng học sinh; trường còn có các phòng chức năng, 01 phòng học Tin với 24 máy vi tính.
- Trong tương lai, nếu được chuyển ra địa điểm mới với diện tích gấp khoảng 10 lần hiện tại, trường sẽ được cấp trên đầu tư để CSVC nhà trường không chỉ đạt chuẩn quốc gia về hình thức mà còn thực sự là một mô hình giáo dục điển hình của địa phương với sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu, bể bơi, thư viện, vườn sinh vật… có chất lượng cao.
(Có điều, tương lai ấy vẫn còn xa. Cơ sở vật chất như hiện tại sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa. Và trường ta là một trong những trường còn nhiều khó khăn vào bậc nhất tỉnh so với những trường chất lượng cao cùng loại hình trong tỉnh)
c/ Về chất lượng học sinh của trường.
Nếu CSVC của trường do diện tích hạn hẹp, đến nay vẫn chưa đạt chuẩn quốc gia, thì chất lượng HS của trường đã đạt chuẩn từ rất lâu. Học sinh nhà trường trong 17 năm qua không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng cũng nâng cao không ngừng: Từ tháng 10/1997, trường có hơn 300 HS, đến những năm sau đó là 400, và nhiều năm gần đây là hơn 500 HS mỗi năm. Điều đáng nói là chất lượng HS. Các em HS trường ta nhà ở xa trường (Trong toàn huyện, thậm chí là ở huyện ngoài), gia đình nhiều em còn rất khó khăn, nhưng các em luôn phấn đấu hết mình, khắc phục những khó khăn chung và riêng để đạt thành tích cao về mọi mặt. Điều đó được thể hiện ở một số khía cạnh sau:
* Về giáo dục đại trà: Tỉ lệ HSG, HSTT cao. Hàng năm đều đạt trên 80% (Trong đó HSG là trên dưới 40%).
HS của trường ta cuối cấp đi thi vào THPT hàng năm đều đạt điểm đỗ cao: vượt điểm chuẩn rất nhiều, thậm chí gấp đôi, hơn cả gấp đôi điểm chuẩn, thủ khoa không chỉ ở kì thi tại huyện nhà mà còn nhiều thủ khoa của các kì thi vào trường chuyên của tỉnh, của quốc gia. Để rồi, 3 năm sau đó, hầu hết các em đều đỗ Đại học với số điểm cao.
* Về giáo dục mũi nhọn: HSG các cấp cũng không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng giải
- HSG cấp huyện: Thường đạt từ 8- 10 em/10 em mỗi đội dự thi.
- Đặc biệt là HSG cấp tỉnh: Những năm từ 1998 đến 2004 (Khi còn thi HSG tỉnh 4 khối), số lượng giải cá nhân tăng từ hơn 30 giải lên hơn 40 giải, rồi hơn 70 giải. Có năm đạt tới 98 giải (2003). Từ năm 2005 đến nay, chỉ thi HSG tỉnh với khối 9, số lượng giải các em HS lớp 9 của trường đạt được cũng ngày một tăng: Hơn 40 giải năm 2005 đến tháng 5 năm 2009 đã đạt 60 giải. Nhiều năm có HS đạt giải nhất tỉnh cá nhân, đồng đội. HSG của huyện nhà mà nòng cốt tới 90% là của trường ta, luôn xếp trong tốp đầu của tỉnh, có những năm xếp thứ nhất như năm 2003, 2009. Những năm còn thi HSG quốc gia khối 9, trường ta cũng đóng góp cho đội tuyển của Tỉnh HSG đi thi quốc gia và đạt giải nhì (1998). Gần đây, có nhiều em học sinh đạt giải và huy chương Quốc gia trong cuộc thi IOE …
* Về các phong trào khác: HS trường ta không chỉ biết miệt mài học tập. Hàng năm, các em còn tích cực tham gia mọi phong trào và đều đạt kết quả cao, như: Tham gia các lễ hội, các cuộc thi văn nghệ, kể chuyện, xây dựng trường học thân thiện – HS tích cực…
d/ Về đội ngũ cán bộ – GV.
Cùng với sự phát triển về qui mô trường lớp, chất lượng HS, thì số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, GVcũng tăng. Từ 11 CB, GV khi tách huyện năm 1997, những năm sau là hơn 20 và hiện tại là 37 CB, GV, nhân viên với đầy đủ loại hình chuyên môn sâu. GV đạt chuẩn 100%, trên chuẩn trên 70%. Hàng năm, các thầy, cô giáo của trường đi thi GVDG đều đứng thứ nhất, thứ nhì cấp huyện, cấp tỉnh. Hàng ngày, các thầy cô giáo luôn nhiệt tình, tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục: Quan tâm tới HS và không ngừng nâng tự học, tự tích lũy chuyên môn để chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tóm lại:
Lịch sử và truyền thống của trường ta 26 năm qua là lịch sử và truyền thống của một nhà trường luôn vượt qua thử thách và vươn tới đỉnh cao. ở nơi đây, HS là những người luôn miệt mài học tập, vượt mọi khó khăn về khách quan, chủ quan (như đường xa, thời tiết, gia cảnh…), về kiến thức phải nâng cao… để không ngừng vươn tới những chân trời khoa học mới.. ở nơi đây, thầy cô giáo là những con người dám đương đầu với những thử thách cam go; nhiệt tình, tâm huyết, hết lòng vì HS thân yêu, dìu dắt các em từng bước trưởng thành.
Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống tốt đẹp đó của trường mình. Nhưng chúng ta cũng phải có nghĩa vụ phát huy truyền thống đó. Chúng ta không được phép lơ là hay lười nhác học tập, rèn luyện và nghiên cứu. Bởi nếu chúng ta lơ là hay lười nhác, chúng ta đẩy lùi lịch sử phát triển đi lên của trường mình, sẽ không xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, không xứng đáng được học tập, công tác dưới mái trường này.
Ân Thi, tháng 10 năm 2018
Người viết - PHÓ HIỆU TRƯỞNG
Trần Thị Cường